Đồng Đức Bốn -- thi sĩ của gió hoang cỏ dại
Một ý nghĩ tội lỗi thường vẫn đến với tôi mỗi khi nghĩ về nền văn chương mà các đồng nghiệp già có trẻ có góp phần làm ra sáu bẩy chục năm nay. Đại để đó là một thứ văn học dân gian, tự phát, mỗi ngòi bút vốn liếng mỏng manh tính chuyên nghiệp thì ít mà nặng về có gì viết nấy, còn như khả năng tự cải tạo tự thuần hóa, khả năng gia nhập vào lịch sử lâu dài, khả năng đó rất thấp.
Song sau khi nói vậy, phải lưu ý
thêm một sự thực: hình như cảm thấy rất rõ cái chất hoang dại trong mình, nhiều
người lại rất chịu khó che đậy bằng những học đòi nông nổi, từ đó làm nên một
thứ nửa mùa dang dở. “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa", cái câu thơ
Nguyễn Bính bấy nay vẫn vọng về trong tâm trí mỗi người như một mong mỏi vô
vọng.
Trong hoàn cảnh ấy thỉnh thoảng mới
thấy một cây bút thật sự hoang dại xuất hiện, như trường hợp Đồng Đức Bốn
(30/3/1948-14/2/2006). Trong khi một số người khác hoang dại nửa vời thì Bốn
thật sự như mọc lên ở bãi cỏ đầu làng, hoang dại trong mọi khía cạnh của mình.
Hoang dại thô mộc mà lại là hoang dại của thời chuyển đổi từ trung cổ lên hiện
đại. Hoang dại như mớ "rau láo nháo" mà thời nay thỉnh thoảng các chợ
ven đô còn bán, -- trong khi những mặt hàng mới ra lò bên Mỹ bên Úc thì được
các loại siêu thị và các cửa hàng xách tay cho quảng cáo khắp nơi.
Một đặc điểm nữa của Bốn là xuất
hiện muộn và chỉ vụt lên trong một thời gian ngắn rồi lại tắt đi rất nhanh.
Cái chết ập tới đã khiến anh có
vẻ như bị lãng quên rất nhanh.
Nhưng riêng tôi vẫn cảm thấy đây
không chỉ là một hiện tượng thơ không nên bỏ qua trong văn học hậu chiến.
Ngày nay không ai viết như Bốn nữa,
song tôi tin cái tinh thần hoang dại mà thơ Bốn bộc lộ trong chúng ta không bao
giờ hết nó chỉ đang tìm cách ngụy trang để có mặt trong các cây bút mới. Khi
không có được sự tự thuần hóa bài bản, chúng ta cứ còn là hoang dại mãi. Sự che
đậy ở ta càng ngày mỗi tinh vi song vì thế chúng ta lại không bắt được cái mặt
mạnh của nó như Bốn đã làm; mà chỉ khiến cho cái mặt kém cỏi của nó còn đó và
hiện ra trong sự hiện đại giả vờ đang chi phối chúng ta .
I
Nhân bàn về một cuốn tiểu thuyết có
ý nhưng đọc không hay, không in được, nhà văn Bùi Ngọc Tấn bữa nọ chợt nói với
tôi một nhận xét :
--- Ây viết văn xuôi là cái chuyện tốn
chi tiết lắm.
Ôi điều đó thì đúng quá rồi, người
không viết văn xuôi cũng đã hình dung được phần nào! Song hôm nay tôi vẫn muốn
dẫn câu nói kia ra đây, để nhân thể bàn về chi tiết trong thơ.
Tiếp theo Bùi Ngọc Tấn, chúng ta có
thể dự đoán là làm thơ thì không vất vả thế, ở đây sức ép của các chi tiết mà
các nhà văn xuôi thường phải chịu,-- sức ép ấy không mạnh, và người ta đỡ lo
hơn. Thế nhưng xin đừng ngộ nhận là không quan trọng. Ngược lại – không phải
cốt nói một điều giật gân hoặc để trộ đời, khi bảo với nhau: chính vì ít, mà
chi tiết trong thơ lại càng quan trọng. Qua các chi tiết đã có thể thấy ngay
diện mạo một con người.
Tôi càng thấy rõ hơn điều này khi
đọc Ðồng Ðức Bốn (dưới đây chỉ gọi tắt là Ð Ð B).
Thử làm một cuộc thống kê những từ
ngữ thường xuyên trở đi trở lại trong thơ Bốn. Toàn những rạ rơm, cây cải, hoa dong riềng, bờ tre, bụi dứa, mùa sen, vườn cau,
bụi tầm xuân, múi bưởi đào, dây tơ hồng, mảnh sành, gai rào.
Thiên nhiên ở đây là chớp bể mưa nguồn, là bèo dạt mây trôi rồi cơn gió chen ngang, rồi gió giông bão tố.
Còn con người thì quẩn quanh với
những việc chăn trâu đốt lửa, lên chùa,
đón hội, đánh bạc; hết tìm cái vu vơ họ lại tính chuyện không đâu, mà dù có
bán buồn mua vui thì chẳng qua cũng
chỉ chín xu đổi lấy một hào.
Còn nhớ có lần nhà thơ Phạm Tiến
Duật tự hào khoe là vừa đưa được chi tiết xe hồ lô trộn bê tông vào thơ và ra
cái điều vậy là thơ hiện đại lắm. Ðưa được một vài chữ Hán lạ hoặc vài tiếng
Anh đọc theo âm Việt, người ta thấy thơ mình sang hẳn lên. Học mót được vài
thuật ngữ lấy từ các ngành khoa học, hý hửng như tìm được miền đất mới.
Theo những cách tính toán kiểu ấy
thì Ð Ð B và những người yêu thơ Ð Ð B hẳn xin chịu. Hình như anh đã làm một
cuộc vận động ngược, tức là luôn luôn tìm cách trở lại với những từ ngữ đã quá
quen thuộc của đời sống.
Vả chăng trong cuộc trở lại ấy, điều
quan trọng là người ta tìm thấy cái gì.
Tôi muốn nói cái tinh thần của đời
sống nó toát ra từ thơ từ nhiều bài thơ của Ð Ð B:
Cổ sơ. Cũ kỹ.
Quê mùa. Hoang dại.
Ðể hiểu anh hơn, hãy thử đặt anh bên
cạnh nhà thi sĩ được coi là quê hơn ai hết: Nguyễn Bính.
Trong cuộc phiêu lưu kiếm sống giữa
thị thành, tác giả Tâm hồn tôi, Mười hai
bến nước, Mây Tần luôn luôn cho người ta thấy rằng thực ra ngày xưa gia
đình ông sống nền nếp và phong lưu lắm, bản thân ra dáng con nhà lắm, chẳng qua
bây giờ thất cơ lỡ vận nên mới khổ thế.
Trong một bài thơ như Thanh đạm, người ta còn được chứng kiến
cảnh đối ẩm, với lại những phút cao hứng ”cây
nguyệt nằm suông mãi, tôi xin đàn người nghe“. Một bằng chứng nữa là dù
được tiếng chân quê hơn đời, nhưng thơ Nguyễn Bính nhìn kỹ thấy còn nhiều chữ
Hán, ở đó nhan nhản những mộng viễn hành,
bức ngọc thư, hàn vi, lữ hành, tha hương, chung tình, đa đoan, tràng giang,
giang hồ rồi lại cả vinh quy, ngự
uyển, với mỹ nữ, lãnh cung nữa.
Ð Ð B thì khác. Cái quá khứ kia
không phải chỉ là hồi ức thường xuyên trở lại, mà nó là một phần của hiện tại
quanh anh. Nhất là nó chẳng có gì rực rỡ là bóng lọng, là cao sang quý phái,
tức chẳng có gì là nên thơ.
Trăng trong thơ ÐÐB là trăng gày trăng cong, sào là sào gẫy, diều là diều đứt dây.
Con người xưng tôi trong thơ có lúc
tự nhủ mình là một kẻ không quê.
Dường như anh sẵn sàng nói rằng mình
chẳng có gì để khoe với mọi người cả.
Trong nhiều trường hợp, hoang dại ở đây xem như đồng nghĩa với
lang thang, mất gốc, không vào khuôn khổ nào, một tình trạng trì trệ không nảy
nòi lên được về chất lượng nên đành bò ra ăn lan ra về số lượng.
Nó, cái sự hoang dại trọn vẹn ấy, có
mặt trong thơ Ð Ð B khắp mọi chỗ và làm nên một miền khí hậu riêng có phần
không giống ai, dù chẳng ở ai không có.
Chỉ một lần nhà thơ kể chuyện mình Nói chuyện với cỏ dại. Song cả những khi
không dùng đến cái từ cụ thể ấy, thì cảm giác hoang huỷ bơ vơ của cỏ dại vẫn
trở lại. Nó ở những câu thơ nghe hơi rờn rợn Chân đạp đât đầu đội trời – ở đâu không có con người thì đi, nó lại
ở cả những câu thơ tự nhiên nhi nhiên kiểu như củ khoai nướng để cả chiều thành tro hoặc mẹ ra bới gió chân cầu.
Một lần tả cảnh lũ lụt, ÐÐB viết “Ối mẹ ơi đê vỡ rồi – Mộ cha liệu có lên
trời được không". Ðằng sau lối nói lu loa, là lời thú nhận về sự bất
lực vô phương cứu chữa của tình thế.
Không hiểu sao tôi đọc những câu tác
giả viết như đùa:
Ngậm ngùi thịt chó bánh đa
Chiều nay lại thấy bà già xin ăn,
hoặc
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê đem mấy con gà bán chơi
mà
cứ thấy bùi ngùi.
Xa vắng - hiu hắt - ngang trái - bơ vơ,
cái không khí ấy bàng bạc trong Ð Ð B, bất kể nông thôn hay thành phố.
II
Trong các thứ tiếng phương Tây, từ
culture ( mà ngày nay ta dịch gọn là văn hoá), trước khi có nghĩa “dạy dỗ mở
mang khai hoá giáo hoá” (Theo Ðào Duy Anh, Pháp Việt từ điển ), còn có một
nghĩa gốc là “cày cấy trồng trọt thâm canh, làm kỹ một việc gì đó”.
Hãy nhìn vào các thứ cây ăn quả hiện
nay. Thoạt đầu đó là những thứ cây dại phải qua bàn tay tác động của con người
rồi những đặc tính xấu của chúng mới bị hạn chế những ưu thế của chúng mới được
phát huy đầy đủ.
Thế nhưng ở đây có một khía cạnh
không những thuộc về khẩu vị, mà còn liên quan đến nhận thức của loài người về
khả năng của mình. Sau bao thành công trong việc lai ghép hoặc biến đổi mã di
truyền, tạo ra các thứ giống cây mới có nhiều ưu thế, thì con người ở đâu cũng
không quên một sự thật –, ấy là trong khi thua kém các loại cây thuần hoá về
nhiều mặt, thì các giống hoa dại quả dại lại có hương vị riêng mà bàn tay nhân
tạo không bao giờ làm ra nổi và do đó cái hoang dại kia vẫn đầy sức cám dỗ.
Oái oăm là ở chỗ ấy !
Suy rộng ra còn có thể nói dù thay
đổi bao nhiêu theo hướng hiện đại thì chất hoang dại vẫn còn một phần nằm mãi
trong tâm trí chúng ta, mỗi khi bắt gặp nó, ta không tránh khỏi run rẩy như
chợt nhận ra cái bản lai diện mục của mình.
Các nhà nghệ thuật cảm thấy điều này
rất rõ.
Trong nghệ thuật hội hoạ thế kỷ XX,
có hẳn những trường phái khai thác vào cái hoang dại nguyên sơ của thế giới, lấy
nó đối lập với những tìm tòi duy lý, người ta mệnh danh những trường phái này
là hoang dã, ngây thơ...
Tuy không phổ biến song ở ta một số
người đã có ý đi vào cái hoang dại đó.
Chỉ có điều nhà văn VN vốn không
mạnh về bề dày văn hoá, nên đi vào hoang dại trước tiên không do tìm tòi lâu
dài, mà như là ngẫu nhiên bắt gặp: Không thể đến với sách vở hàn lâm thì trở về
với nó. Chợt nhận ra từ lâu nó đã thuộc về mình mà không hay biết, nhưng nay nó
là cả một xu thế hiện đại thì tội gì không theo. Nếu khôn ra, gán thêm cho nó
một ít màu sắc lý luận thì càng oai.
Về phần mình, ÐÐB đến với hoang dại như là không có con đường nào khác. Một lần tìm thấy là anh khơi mãi vào cái mạch ấy để tạo ra một nguồn thơ riêng, đến mức, gần đây, người ta cảm thấy thơ anh đơn điệu và dừng lại. Nhưng dù có thế thì cũng chẳng sao.
Nếu được đi tới cùng trên mạch suy
nghĩ của mình, tôi còn muốn nói, qua anh, đã thấy manh nha một dạng nhà thơ mà
chỉ thời nay mới có.
Chúng ta biết rằng thi sĩ cũng là
những mẫu người chịu sự quy định chặt chẽ của thời đại. Theo sự quan sát của
tôi, có thể tạm xếp loại mấy kiểu tâm thế thi sĩ hiện thời:
1) thi sĩ giáo huấn
2) thi sĩ hùng ca
3) thi sĩ ngây thơ như trẻ nhỏ, biết
nhìn ra chất thơ ở chỗ người đời bỏ qua
4) thi sĩ hóm hỉnh, giỏi pha trò
5) thi sĩ dự phóng, nhìn thấu lẽ đời
vv.. và vv..
Không hẳn những sự định danh trên
đây đã chính xác, song chắc là trong chân dung các thi sĩ hiện thời không ít
thì nhiều có mấy cái đó.
Mà Ð Ð B thì không rõ vô tình hay cố
ý, nhưng đúng là cứ trật ra khỏi những cái khuôn khổ mà nhiều người đã tự
nguyện chấp nhận và góp phần hoàn chỉnh ấy, để gần như đứng một mình.
Tung tẩy phá phách làm tình làm tội
người khác thế nào không biết, nhưng đó là chuyện ngoài đời, còn vào đến thơ,
cái tôi của Bốn là một cái tôi hậm hụi bất lực. Dường như không sao tìm được sự
cân bằng trong tâm lý. Cũng như chẳng biết cư xử ra thế nào cho phải. Thấy
chung quanh tầm thường vớ vẩn, mà mình thì cũng chẳng hơn gì, lại có lỗi ở chỗ
không biết làm sao tác động tới đời, khiến cho nó trở nên tốt hơn vừa ý mình
hơn. Giữa vô vàn những lo toan – lo nghèo lo đói lo khổ lo không được
"hiện đại", – lại thêm còn cái lo nữa, lo lạc lõng, không ai nghe
mình.
Hai chữ mồ côi thường xuất hiện. Trăng mồ côi. Bão mồ côi.Cây mồ côi. Mà
con người đến chết vẫn có thể tiếp tục mồ côi
Trở
về với mẹ ta thôi-
Lỡ
mai chết lại mồ côi dưới mồ.
Tâm lý mồ côi đó là gì nếu không
phải là tình trạng người ta mất đi những chỗ dựa chắc chắn về tinh thần, không
có cái để tin yêu và kính trọng ?!
Trước một đời sống ngổn ngang và có
thể nói là tàn bạo nữa, con người trong thơ Ð Ð B như vậy là đang đi dần tới
một thái độ tạm gọi là vừa phải: không huớ lên hớn hở một cách trẻ con, mà cũng
không lảng đời kệ đời; không tự nhấc mình vượt lên trên hoàn cảnh rồi chửi bới tùm
lum, hoặc cười cợt vô trách nhiệm, mà cũng không làm bộ làm tịch, ra cái điều
đang mải mê với những triết lý sâu sắc.
Thơ chỉ có vậy, nên đành là một lời
tự an ủi.
III
Bây giờ ta hãy cùng nhìn kỹ vào cái
giọng thơ lục bát mà Ð Ð B đã hình thành riêng cho mình. Chỉ xét riêng thời nay
đã thấy không ít những bậc thày kỳ tài còn in dấu trên thể thơ này. Duyên dáng
tự nhiên là lục bát của Tản Ðà. Cổ kính chắc chắn đường bệ đấy là lục bát của
Huy Cận trong Lửa thiêng.Và người mà
ở trên đã nói, Nguyễn Bính. Trong các tập thơ của mình, Nguyễn Bính mang lại
cho lục bát khi thì một vẻ ỡm ờ, khi thì đoan trang, và bao giờ cũng tràn đầy
nhạc điệu. Cả trong những câu thơ như buột miệng mà nói ra ( Em van anh đấy anh đừng yêu em ), lẫn
những câu đùa đầy dụng công ( Cánh buồm
nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm ), người ta vẫn thấy một cái gì như là dẻo
mồm tức quá khéo, dù đã khéo đến mức tự nhiên.
Cái lối tạo ra lục bát một cách trúc trắc, từng đôi câu sáu tám không vang lên một cách nhịp nhàng mà có vẻ lập cập khó khăn – cái lối ấy chỉ mới có từ hồi sau 1945. Nguyễn Ðình Thi và nhiều người khác đã tham gia vào quá trình này, ở đây tôi chỉ dẫn ra một người bạn cùng tuổi là Xuân Quỳnh. Vốn rất tự nhiên trong việc bẻ vần ghép chữ, mà không hiểu sao, trong một đôi khi sử dụng lục bát, Quỳnh vẫn cứ làm cho nó ngang ngang, ví dụ bài Về những thói quen của chị mở đầu bằng mấy câu như sau “ Con sông quen chảy xuôi dòng Mùa mưa nước lũ quen dâng từ nguồn Bên bồi thì cứ bồi luôn Còn bên lở vẫn lở thường quanh năm “. Ôi lục bát gì mà đuồn đuỗn thế này ! Sau tôi mới hiểu chính là Xuân Quỳnh đã cố ý làm thế để tránh đi cái nhịp nhàng đều đều đã nhàm chán của một thể thơ quá phổ biến.
Trở lại với ÐÐB, phải liều mạng lắm người ta mới dám viết những câu ngang phè, đại loại:
Rét
lòng khát ngọn lửa nhen
Mà
áo đỏ áo đỏ em đâu rồi ?
Thế nhưng đó chính là những câu thơ
làm cho người đọc không đọc lục bát theo kiểu trôi tuồn tuột, mà phải dừng lại
ngẫm nghĩ, cũng tức là nhà thơ đạt được cái hiệu quả mà người cầm bút nào cũng
mong muốn.
Dễ dàng nhận xét là nhiều bài thơ Ð
Ð B không có được cái sự liền mạch, mà hình như do từng mảng ghép lại, mỗi mảng
là một đôi sáu tám hoặc hai đôi liền.
Viết cái gì thì cũng vậy mà làm thơ
càng dễ vậy, kỵ nhất là cái lối câu nọ gọi câu kia, đưa đẩy chuyển tiếp kết quả
thành một thứ thuận miệng giống như người quen chân đi mãi, nhiều khi vẫn đi
đấy mà không biết mình đi đâu.
Trong một thể như lục bát điều đó
càng dễ xảy ra. Không có kết cấu, nó qúa tự do, nhưng cũng chứa đầy cạm bẫy
trong cái tự do đó.
Do một sự may mắn nào đó, Ð Ð B có
duyên sớm ngộ thấy cái sự mòn mỏi của nó, nên cố tìm cách tránh. Lục bát ở đây
không nhịp nhàng nối tiếp mà cứ giật cục như cái gì ngắc lại nghèn nghẹn nơi
cổ. Thứ lục bát đó tôn thêm cảm giác quê mùa hoang dại chung của thơ Ð Ð B mà
đoạn trên đã nói.
Nói cho to tát cũng tức là ở nhà thơ
này có một sự quyến quyện giữa nội dung và hình thức, hoặc nói theo chữ nghĩa
đang thịnh hành tức là sự nhất quán của thi pháp.
IV
Thuở nhỏ tôi sống ở làng Thuỵ (tên
đầy đủ là Thuỵ Khuê ), một vùng ngoại ô phía bắc Hà Nội, đàn ông thì đi làm Nhà
da, Máy giặt, Bia Ô mền ( Bia Hà Nội hiện nay) hoặc công nhân Xe điện, còn đàn
bà chuyên hàng quà, bán rong các phố, quà rong ở đây cụ thể là các loại xôi,
ngoài ra là sắn luộc khoai luộc v.. v...
Khoai luộc của làng Thuỵ thì ngon
lắm.
Những năm năm mươi sáu mươi của thế
kỷ trước, phố phường Hà Nội chưa đầy bụi và ngạt khói xe máy như bây giờ. Khoai
luộc chảy mật đặt trên mẹt của dân làng Thuỵ nhởn nhơ gánh bán rong các phố
không ai cho là bụi bẩn, nên ai trông cũng thèm, cả các cô môi son má phấn Hàng
Ngang Hàng Ðào cũng gọi mua.
Nhưng ngoài món khoai cổ điển đó,
với cái gốc con nhà nghèo, tôi nhớ một món khoai lạ của các bà các cô làng
Thuỵ. Khoai luộc mới sôi thì đã vớt ra và đổ vào nước lạnh, bởi vậy chỉ vừa
chín tới và cắn vào còn sồn sột, nên gọi là khoai sượng. Cố nhiên là chỉ những
thứ khoai còn nhỏ, những củ nhách củ kẹ, bán nắm bán mớ, mới được dùng để làm
loại quà rẻ tiền này. Song có lẽ chính vì như thế nó lại có cái vẻ ngọt riêng,
ngai ngái ngầy ngậy gần với khoai sống.
Không hiểu sao, khi đọc thơ ÐÐB tôi
lại hay nhớ tới thứ khoai sượng nay đã tuyệt chủng kia.
Nhưng tôi cho rằng sẽ làm nghèo Ð Ð
B đi nhiều nếu xem việc anh khai thác yếu tố hoang dại chỉ có ý nghĩa một biện
pháp nghệ thuật, một cách ranh ma đổi mốt nhằm câu khách, mà không thấy rằng
cái chính ở đây là một cách nhìn nhận, một cách bắt lấy cái thần của đời sống.
Thử nhớ lại hai bài thơ không rạ rơm
chút nào của Bốn, bài Chiều mưa trên phố
Huế và bài Xích lô đường Bà Triệu.
Trong con mắt người làm thơ, cảnh
phố Huế nào có khác chi chợ quê, cũng hàng
thì bán đứng bán ngồi chen nhau, xe cúp dàn hàng ngang mà đi đấy, nhưng vẻ
hiện đại không che nổi áo rách.
Giữa đường Bà Triệu ồn ào, nhà thơ
nhạy cảm vẫn thấy toát lên một chút gì đó tịch mịch xa vắng. Bởi vậy, cái
chuyện cô đơn ngay giữa đám đông là không tránh khỏi và cảm tưởng cuối cùng
được cô kết lại bằng cái câu rất sái:
Xong
rồi chả biết đi đâu,
Xích
lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương.
Thế nghĩa là gì ? Dù đã chuyển sang
thời hiện đại, song cảnh tượng ở đây chỉ là một biến thể của những chăn trâu đốt lửa với lại bắt gió chân cầu đã nói ở trên. Chua
xót. Bế tắc. Cầm bằng đến đâu thì đến. Mà hoang dại vẫn hoàn hoang dại.
V
Rút lại thì tôi muốn bảo Ð Ð B là
một giọng thơ dân gian hiện đại.
Dân gian là một khái niệm rất rộng.
Là một cảm giác dang dở về đời sống.
Là sự lạc quan tất yếu thành ra một
thứ bản năng.
Lại cũng là một nỗi buồn xa vắng
khôn nguôi.
Là sự hoà quyện giữa hy vọng và thất
vọng.
Là lòng ham sống là ý chí vươn lên
đấu tranh cho đời sống ngày một tốt đẹp.
Mà lại cũng là một sự hư vô buông
xuôi gần như đồng nghĩa với tự cho phép muốn làm gì thì làm –, con người thì
bao giờ cũng thế thôi, quá bận tâm đến họ làm gì cho mệt.
Bởi vậy dân gian là trong sáng vô
tư, nhưng cũng là hư hỏng đàng điếm tuỳ tiện “ chí phèo “....
Ðấy đại khái dân gian có lắm sắc
thái như vậy, và chúng ta còn đang nỗ lực để hiểu thêm về nó.
Riêng về Ð Ð B, tôi cảm thấy trong cái vẻ đều đều gióng một của mình, anh vẫn là một tính cách pha trộn.
Trong giọng thơ này, cái già cỗi mệt
mỏi tồn tại ngay bên cạnh cái trẻ trung, cái ham muốn bồng bột nẩy nở đấy mà
cũng tàn lụi ngay đấy, để rút lại nhường chỗ cho cái ngu ngơ bất lực bao trùm.
Vừa chấp nhận đầu hàng, bỏ qua tất
cả, mà lại vừa tham lam càm quắp, cò kè tính toán, vơ véo nhặt nhạnh, níu kéo
lấy một cái gì lúc nào cũng có thể mất.
Hình như sự chấp nhận nửa vời như
thế đang là cái cách mà nhiều người đương thời, trước một đời sống đầy bất
trắc, tự phát tìm đến để tự vệ ?!
Bè bạn thường chê tôi là cái gì cũng
chỉ “cảm thấy “ với “ hình như “, song chuyện đời là thế, lần này tôi vẫn không
dám khẳng định, mà lại chỉ dừng lại ở “ cảm thấy” và “ hình như “ như cũ.
Chỉ biết rằng đôi lúc rỗi rãi trong tâm trí thường vẫn quẩn lên vài câu thơ ÐÐB. Gạt đi cái phần ngang ngược thô thiển nó là điều không thể khác được với một con người có hoàn cảnh cụ thể như tác giả, thơ Bốn đôi khi là cái cớ giúp tôi tìm thêm lòng ham sống, lẫn thấm thía cả cái vô nghĩa của đời sống.
Làm đất đất phải nở hoa
Làm
tôi, buồn cái người ta vẫn buồn
Với câu thơ bâng quơ nghe như một
tiếng thở dài đó, dường như Ð Ð B đã thú nhận: chẳng qua anh cũng chỉ như mọi
người. Mà làm sao khác được cơ chứ ! Luật đời đã định !
Trong khi khai phá và trình bày nỗi
niềm hoang dại nơi mình, người thi sĩ đã giúp chúng ta tìm thấy một phần cái ta
sẵn có mà lâu nay chót quên lãng và mặc dầu vẫn sống đủ với nó, song hầu như
lại chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về nó.
Cuộc đời thì ngắn mà mỗi chúng ta thì
bơ vơ lắm.
Nhận xét
Đăng nhận xét